
Các giai đoạn sửa chữa xe
Thời gian dự tính để sửa chữa phục hồi xe tai nạn sẽ được chia thành 3 giai đoạn chính bao gồm: đánh giá ban đầu, tiến hành sửa chữa và kiểm tra xe. Bạn cũng có thể áp dụng tương tự đối với những vụ va chạm nhỏ.

1. Giai đoạn 1: Đánh giá tình trạng xe
- Đánh giá ban đầu (2 - 4 giờ): Nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra từng bộ phận của xe trực quan, chụp ảnh và sử dụng các công cụ chuyên nghiệp để có cái nhìn tổng quát. Sau khi xác định được những bộ phận nào cần sửa chữa, thay thế hoặc điều chỉnh lại, nhân viên sẽ ước tính mốc thời gian cụ thể cần sửa.
- Xem xét bảo hiểm (3 - 5 ngày): Đối với những xe có bảo hiểm, bạn cần làm thủ tục và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để công ty tiến hành thanh toán cho cơ sở sửa chữa.
2. Giai đoạn 2: Tiến hành sửa chữa
- Đặt hàng phụ tùng (0 - 7 ngày): Cửa hàng sẽ bắt đầu đặt hàng các phụ tùng mới mà xe của bạn cần. Thời gian để nhận được linh kiện phụ thuộc vào số lượng, chi phí, nhà sản xuất và hàng tồn kho. Các linh kiện tiêu chuẩn thường sẽ có sẵn hoặc chỉ mấy 1 ngày đặt hàng. Còn các bộ phận đặt biệt sẽ mất nhiều thời gian hơn.
- Kiểm tra lần hai (0 - 2 ngày): Khi tiến hành tháo dỡ các bộ phận của xe, nhân viên sẽ kiểm tra toàn diện để tìm kiếm các lỗi chưa được phát hiện trước đó. Đây là bước quan trọng vì không phải tất cả vấn đề đều có thể được phát hiện trong lần kiểm tra ban đầu. Nếu có thêm vấn đề phát sinh, họ sẽ thông báo cho bạn.
- Sửa chữa (2 - 7 ngày): Sau khi nhận được tất cả các linh kiện cần thiết, nhân viên sẽ bắt đầu sửa chữa xe. Thời gian và khối lượng công việc sẽ tùy thuộc vào mức độ hư hỏng của xe và số lượng bộ phận cần sửa hoặc thay mới. Nếu chỉ cần xử lý những vấn đề đơn giản như loại bỏ vết lõm, xước… thì quá trình sửa chữa sẽ mất từ 48 đến 72 giờ. Tuy nhiên, đối với các bộ phận phức tạp hơn như động cơ, gầm xe hay hệ thống điện, thời gian sửa chữa có thể kéo dài khoảng một tuần.
- Sơn thân xe (0 - 3 ngày): Sau khi hoàn tất quá trình sửa chữa, đội ngũ kỹ thuật viên sẽ bắt đầu sơn lại thân xe. Tùy thuộc vào mức độ hư hỏng mà quá trình này có thể mấy nhiều ngày.
3. Giai đoạn 3: Kiểm tra và bàn giao
- Kiểm tra chất lượng (24 giờ): Sau khi hoàn tất mọi công việc, nhân viên kỹ thuật sẽ kiểm tra xe lần cuối, lái thử và vệ sinh xe.
- Bàn giao cho khách hàng: Nếu xe ô tô vượt qua các bài kiểm tra và không còn vấn đề, xe sẽ được bàn giao cho khách hàng nghiệm thu.
Thời gian sửa chữa trung bình của từng bộ phận
1. Vỏ xe và các phụ kiện bên ngoài
- Sửa chữa vỏ xe (1 - 3 ngày): Khi xe bị va đập mạnh, vỏ xe sẽ bị móp méo hoặc gãy nên nhân viên sẽ hàn lại và nắn chỉnh khung vỏ nhằm khôi phục về hình dạng ban đầu.
- Thay thế bộ phận bên ngoài (1 - 2 ngày): Cản trước, cản sau, cửa, nắp capo… bị hư hỏng do tai nạn sẽ được tháo ra, sửa chữa hoặc thay mới hoàn toàn tùy theo mức độ thiệt hại.
- Sơn vỏ xe (1 - 2 ngày): Quy trình sơn xe thường sẽ mất thời gian do công đoạn sơn, phơi khô và hoàn thiện bề mặt cần phải được thực hiện kỹ lưỡng và cẩn thận.
2. Động cơ (2 - 7 ngày)
Nếu động cơ bị hư hỏng do tai nạn như nứt vỡ các bộ phận cơ khí bên trong… thì thời gian sửa chữa có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày do nhân viên kỹ thuật phải tháo rời, kiểm tra và thay thế các bộ phận hư hỏng.
3. Hệ thống phanh (1 - 2 ngày)
Phanh thường là một trong những bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất sau khi xe xảy ra tai nạn do má phanh và đĩa phanh bị cong vênh hoặc hệ thống ABS bị hỏng. Kiểm tra, sửa chữa và thay thế những linh kiện này sẽ mất khoảng 1 - 2 ngày tùy thuộc vào mức độ.
4. Hệ thống điện (1 - 2 ngày)
Hệ thống điện trên xe ô tô là một phần quan trọng khi giúp vận hành các chức năng của xe từ động cơ đến hệ thống khác như điều hòa, giải trí... Thời gian sửa chữa hệ thống điện sẽ thay đổi tùy theo từng bộ phận như thay ắc quy thường chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ hoặc sửa chữa cảm biến sẽ có thể kéo dài từ 2 - 3 giờ…
5. Hệ thống làm mát (1 - 2 ngày)
Hệ thống làm mát thường bao gồm điều hòa, két đựng nước, quạt làm mát, ống dẫn… chịu trách nhiệm giúp duy trì nhiệt độ ổn định nhằm tối ưu hiệu suất và kéo dài tuổi thọ của các bộ phận. Khi xe xảy ra tai nạn, một số đường ống có thể bị vỡ làm rò rỉ nước bên trong xe. Do đó, nhân viên kỹ thuật cần phải rà soát toàn bộ hệ thống làm mát nhằm kiểm tra và thay thế các đoạn ống bị vỡ.

Xác định chính xác thời gian cụ thể hoàn tất quá trình sửa chữa phục hồi xe tai nạn sẽ giúp chủ xe chủ động hơn trong việc chuẩn bị chi phí cũng như sắp xếp thời gian hợp lý. Thời gian sửa chữa có thể thay đổi tùy theo mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể của từng bộ phận. Dù vậy, bạn nên lựa chọn những nơi uy tín, trang bị hiện đại cùng đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề để quá trình sửa chữa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.